Di chứng sau cú ngã định mệnh vào nồi tráng bánh cuốn khiến chị Phượng vô cùng đau đớn. Người mẹ góa nghèo khó của chị không biết tìm đâu được tiền để tiếp tục làm phẫu thuật cho con.
Chúng tôi được nghe câu chuyện về cô gái tật nguyền bất hạnh Phan Thị Phượng, (trú ở xóm Na Tủn, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), qua lời kể của ông Nguyễn Trung Hiếu, trưởng thôn Na Tủn. Khi ông Hiếu dẫn chúng tôi đến thăm nơi ở của 2 mẹ con Phượng.
Ngã vào nồi nước đang sôi khiến cô gái vốn gặp nhiều bất hạnh này bị bỏng nặng (Ảnh: Hương Hồng).
Trong cái se lạnh đầu đông đặc trưng của vùng núi phía Bắc, Phượng không mặc áo nằm co ro trên chiếc giường chăn chiếu nhàu nhĩ. Thấy khách đến, cô gái tội nghiệp vội vàng kéo tấm chăn che lên phần thân trên chằng chịt sẹo.
Giọng lí nhí, Phượng ngại ngùng nói với chúng tôi: “Quần áo cọ vào những vết bỏng đau rát lắm, nên em không dám mặc áo. Với lại vết bỏng ở 2 nách sâu, kéo rút tay lại nên mọi việc vẫn phải nhờ mẹ em giúp…”, nói rồi Phượng khó nhọc đưa tay lên gương mặt loang lổ sẹo lồi, sẹo lõm lau vội đi những giọt nước mắt vừa lăn ra.
Mặc quần áo là “cực hình” với Phượng. Bởi, quần áo chà xát vào những vết sẹo sâu khiến em không thể chịu đựng nổi (Ảnh: Hương Hồng).
Là con cả trong gia đình 3 chị em, Phượng vốn yếu ớt ngay từ khi ra đời, một bên tai bị điếc bẩm sinh. Ngày nhỏ Phượng luôn đau ốm, quặt quẹo, đã hơn 30 tuổi mà chỉ cao chừng 1m và cân nặng 26kg.
Nhà nghèo, bố đau yếu triền miên, Phượng không có cơ hội được đến bệnh viện thăm khám, nên không biết mình mắc căn bệnh gì. Hơn 10 năm trước, người bố của Phượng rời bỏ vợ con sau nhiều năm nằm liệt giường vì tai biến. Người em trai và em gái lần lượt xây dựng gia đình và ra ở riêng. Nhà chỉ còn lại người mẹ góa và đứa con gái tật nguyền, nương tựa vào nhau sống qua ngày.
Để trang trải cuộc sống, mẹ con Phượng mưu sinh bằng công việc tráng bánh cuốn. Hàng ngày 2 mẹ con phải thức dậy từ 3 giờ sáng xay bột, tráng bánh, nhưng ngày nào đắt hàng thì lãi được khoảng 60 ngàn đồng, nhiều ngày 2 mẹ con phải ăn bánh cuốn ế thay cơm.
Những vết bỏng sâu, đặc biệt là vết bỏng lớn ở 2 nách khiến Phương không tự phục vụ được bản thân, mọi sinh hoạt hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ (Ảnh: Hương Hồng).
Dù sức yếu, cơ thể chỉ nhỉnh hơn đứa trẻ 7 tuổi, nên Phượng chỉ có thể phụ giúp mẹ các công việc lặt vặt, như lau dọn bàn ghế, bê bánh cho khách, hay đun nước … Một lần bất cẩn, cô gái tội nghiệp này luống cuống ngã vào nồi tráng bánh cuốn đang sôi sùng sục.
“Lúc thấy con bé giãy giụa gào thét trong nồi nước đang sôi, tôi không còn hồn vía gì cả. Ngộ nhỡ con bé thế nào thì tôi ân hận cả đời. Cuộc đời con bé vốn thiệt thòi từ nhỏ, nay vì mẹ khốn khó lại gặp nạn thế này. Sau này gặp bố nó, tôi biết ăn nói thế nào với ông ấy…”. Bà Ma Thị Duyên (mẹ ruột chị Phượng) gạt nước mắt nhớ lại giây phút định mệnh khi con gái ngã vào nồi nước tráng bánh cuốn.
Người mẹ góa nghèo khó sụt sùi kể, được sự giúp sức của hàng xóm, bà Duyên đưa con gái lên bệnh viện tỉnh Thái nguyên cấp cứu. Nhưng do diện tích bỏng quá lớn, nhiều chỗ bỏng sâu bệnh viện chuyển chị Phượng về Viện Bỏng Quốc gia.
Vốn mang nhiều bệnh tật trong mình, sức khỏe người mẹ góa khốn khổ của Phượng càng ngày càng yếu (Ảnh: Hương Hồng).
Sau hơn 3 năm tích cực chạy chữa cho con, Phượng trải qua 5 lần phẫu thuật thì người mẹ góa kiệt quệ. Không đủ sức để cùng con nơi bệnh viện, bà Duyên đành đưa con về nhà. Mỗi khi thấy con gái nhăn nhó đau đớn bởi di chứng của những vết bỏng sâu hành hạ, người mẹ nghèo khó chỉ còn biết bặm môi, cắn chặt răng đến bật cả máu.
Bà Duyên cho biết, sau khi chạy đôn chạy đáo khắp nơi để có tiền cho con đi bệnh viện, hiện bà nợ ngân hàng 50 triệu, nợ anh em, hàng xóm cả trăm triệu đồng nữa. Sức khỏe bà Duyên thì ngày càng yếu bởi hàng loạt các căn bệnh suy tim, thoái hóa, thoát vị địa đệm, dạ dày. 2 mẹ con bà sống dựa vào khoản tiền trợ cấp xã hội của người con gái tật nguyền và sự đùm bọc sẻ chia của bà con lối xóm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Duyên là đặc biệt khó khăn ở địa phương, nhiều năm qua cứ nghèo rồi cận nghèo, chưa biết bao giờ gia đình bà mới có thể thoát nghèo được”.
Cô gái bất hạnh ước một ngày em có đủ tiền để đến bệnh viện tiếp tục chữa trị (Ảnh: Hương Hồng).
Ông Hiếu chia sẻ thêm, từ ngày Phượng gặp nạn, cuộc sống của mẹ con bà Duyên càng cùng cực hơn. Tiền đưa con đi viện, tiền thuốc men hoàn toàn vay mượn cả. Trước cảnh bệnh tật hành hạ cô gái và cảnh khốn khó của 2 mẹ con Phượng, bà con ai cũng thương lắm, nhưng ở xóm miền núi này ai cũng nghèo nên chẳng giúp được gì nhiều ngoài bơ gạo, nắm rau.
“Qua đây tôi tha thiết mong bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình bà Duyên, giúp bà có kinh phí đưa em Phượng đến bệnh viện tiếp tục điều trị”, ông Hiếu nói.